Chìa Khóa Cho Thành Công Trong Mọi Nỗ Lực Là Quyết Tâm Bên Trong

Đức Dilgo Khyentse Rinpoche
 
Dĩ nhiên điều chúng ta muốn là sự tốt đẹp của chính chúng ta,
 
Thế nên chúng ta phải thành thật với chính mình:
 
Nếu chúng ta không thành tựu tinh túy của Pháp cho chính
chúng ta,
 
Thì chẳng phải chúng ta đang hủy hoại chính cuộc đời mình sao?
 
Không có ai có ý định xấu với mình. Người ta không bao giờ nghĩ đến chính mình tốt đẹp biết bao nhiêu nếu mắc bệnh, cũng không mong mỏi bị tàn tật hay nghèo khó hay mong cho bị trộm cướp; điều họ nghĩ là họ muốn được hạnh phúc biết bao nhiêu, và cả một sự thích thú nếu giàu có và tiện nghi. Nhưng những ý tưởng này đến từ đâu? Chúng đến từ sự tin tưởng vào một cái “tôi”. Chính vì sự tin tưởng bắt rễ sâu xa này mà chúng ta bận bịu trước hết với hạnh phúc của chính chúng ta. Trong khuôn khổ này của tâm thức, chúng ta sẽ không bao giờ thỏa mãn. Ngay dù chúng ta có lên ngôi hoàng đế của toàn thể vũ trụ, chúng ta cũng còn tham muốn nhiều quyền lực, sung túc và lạc thú hơn nữa.

Tiến trình tương tự cũng vận hành trong những cảm giác của chúng ta về những người thân thiết với chúng ta: chồng, vợ, con cái và bạn bè. Vì chúng ta yêu họ, chúng ta đặc ân họ trên tất cả những người khác, và có ai khen ngợi hay giúp đỡ họ, chúng ta cảm thấy rất vui thích. Nhưng đây không phải là tình thương chân thật; nó đặt nền trên việc nghĩ họ là của chúng ta.

Dù cho chúng ta rất tự thương mình, chúng ta không biết chút nào phải tìm hạnh phúc thật sự ở đâu. Hầu như chúng ta tự chăm sóc mình như một kẻ điên rồ. Chúng ta tìm kiếm hạnh phúc trong lạc thú, danh vọng và giàu có, quên đi sự kiện cái chết sẽ sớm lấy đi tất cả mọi thứ đó. Khi chúng ta bước qua ngưỡng cửa của cái chết, chúng ta sẽ không mang theo với mình một món nào trong những sở hữu mà chúng ta đã cật lực làm việc để có được. Cùng lắm, mọi cố gắng hăm hở của chúng ta tạo ra vài khoảnh khắc hài lòng ngắn ngủi – một kết quả nhỏ xíu từ một khối khổng lồ lao lực.

Cách chắc chắn duy nhất để có được hạnh phúc thực sự và bền vững chỉ là cầu nguyện từ đáy lòng chúng ta đến vị thầy chúng ta và thực hành Pháp một cách thích đáng. Qua luật tự nhiên của nhân quả và qua những ban phước của Tam Bảo, trong mọi đời tương lai chúng ta sẽ được sanh nơi nào Pháp nở rộ, chúng ta luôn luôn gặp những vị thầy tâm linh và chúng ta sẽ tiếp tục tiến bộ về hướng giác ngộ – một kết quả khổng lồ từ một khối nhỏ xíu cố gắng.

Nếu ngược lại, chúng ta nghĩ rằng thực hành và những hành động tốt là vô nghĩa, không có trở ngại gì khi làm bậy, nếu chúng ta nghĩ rằng cái chính là hưởng thụ cuộc đời này càng nhiều càng tốt, thì chắc chắn chúng ta sẽ tái sanh vào những cõi thấp hay vào một nơi mà ngay chữ “Pháp” cũng chẳng hề được nghe.

Quy ước bình thường của cuộc đời làm cho chúng ta tin rằng điều đáng khâm phục nhất chúng ta có thể làm là chăm nom cho những người thân của chúng ta và cố gắng đánh bại những người mà chúng ta không thích. Điều ấy sai lầm. Nếu các bạn thật sự muốn làm điều gì xứng đáng với cuộc đời bạn, các bạn hãy hiến mình vào Pháp.

Trong những giai đoạn đầu của con đường Pháp, cần yếu là đặt năng lực và quyết tâm của chúng ta vào sự làm việc trên chính chúng ta hơn là cố gắng quá sớm để giúp đỡ những người khác. Hiện giờ chúng ta còn xa với việc nhổ sạch chấp ngã; cho đến khi đã thuần hóa được tâm thức mình, cố gắng giúp đỡ những người khác là việc lố lăng. Đó là tại sao những lời dạy nói “chứng ngộ cho chính mình, lòng bi cho người khác.” Qua tu hành cái thấy, thiền định và hành động, chúng ta có thể trừ sạch chấp ngã và những tình thức tiêu cực và như thế trở nên thật sự có khả năng giúp đỡ những người khác. Khi chúng ta thuần hóa sự hoang dã của tâm chúng ta với kỷ luật thích hợp, mọi khuyết điểm của chúng ta sẽ dần dần biến mất và mọi phẩm tính của Bồ tát sẽ nở hoa. Như Nagarjuna nói:

Người nào hành động không cẩn trọng,
Nhưng về sau trở nên cẩn thận và chú ý
Thì đẹp đẽ như mặt trăng sáng ra khỏi những đám mây.

Dầu chấp ngã có vẻ khó trị bao nhiêu, vẫn có thể giải thoát chúng ta ra khỏi nó và khai triển lòng bi.
Nhận lấy bất kỳ những lời nguyện tùy thuận giải thoát (pratimoksha) nào đều cung cấp một nền tảng vững chắc cho việc thuần hóa tâm thức. Qua giới thanh tịnh của Luật học, chúng ta khai triển khả năng phân biệt giữa cái bao hàm trong con đường và cái cần từ khước. Ở điểm này khó mà thông thạo toàn bộ tổng thể những giáo lý Phật giáo, nhưng nếu chúng ta có thể tìm ra một vị thầy đích thực; chăm sóc và phục vụ ngài theo cách đúng đắn; nhận những lời dạy của ngài về cái thấy, thiền định và hành động; và đưa chúng vào thực hành, chắc chắn chúng ta sẽ có thể thành tựu tinh túy của Pháp.

Nếu các bạn hoàn toàn tin tưởng vào vị thầy của các bạn, tất cả những phẩm tính tâm linh của ngài sẽ phát triển vững chắc trong các bạn, theo cách ngay những cây bình thường trong khu rừng trầm của núi Malaya, sau những năm được thấm nhuần bởi những giọt hương rơi từ lá của cây trầm, cuối cùng sẽ tỏa mùi hương kỳ diệu của gỗ trầm. Tuy nhiên, nếu thay vì tìm ra một người hướng dẫn tâm linh chân chánh, các bạn lại dựa vào những người bạn lầm lạc họ chỉ chỉ bày cho các bạn làm sao tích tập thêm những hành động xấu, các bạn sẽ khó tẩy sạch như một nắm cỏ kusha rơi vào một máy dệt. Bởi thế có nói rằng:

Trước hết, đúng đắn trong việc tìm ra một vị thầy;
Bấy giờ, đúng đắn trong khi chăm sóc ngài;
Cuối cùng, đúng đắn trong thực hành những lời dạy của ngài.
Bất cứ ai đúng đắn trong ba cách ấy sẽ tiến bộ không lạc lối trên con đường giải thoát.

Trong thời đại suy đồi này, vì trí hạn hẹp và thiếu quyết tâm, người ta cần thực hành Pháp trong một hình thức được tinh chế. Sự thực hành phối hợp sự sùng mộ vị thầy như không khác với Quán Thế Âm kết hợp với sự trì tụng thần chú sáu chữ đáp ứng cho nhu cầu ấy. Thần chú sáu chữ (Lục tự đại minh chân ngôn), thần chú mani, là rất dễ trì tụng, tuy nhiên nó tập trung trong nó bản chất của mọi kinh điển Phật giáo. Nó là tinh túy của tâm đức Quán Thế Âm và những ban phước nó đem lại thì vô cùng. Nếu các bạn lấy nó làm sự thực hành chính cho mình, thì người, trời và ngay cả những ma gây tác hại sẽ tự nguyện giúp đỡ các bạn, và các bạn sẽ có một đời sống lâu dài, thoát khỏi bệnh tật và chướng ngại. Trong đời sau các bạn sẽ được sanh vào cõi Cực Lạc của núi Potala, hay tệ nhất là vào một nơi chốn có Pháp đang thịnh hành. Đấy là bởi vì thần chú Quán Thế Âm chứa đựng sự ban phước và lòng bi vô biên của chư Phật.

Chìa khóa cho thành công trong mọi nỗ lực là quyết tâm bên trong. Nếu bạn quyết tâm được giàu có, bắt đầu với chỉ một số tiền nhỏ, cuối cùng bạn có thể là một triệu phú. Nếu bạn quyết định học, rồi bạn sẽ trở thành rất uyên bác. Nếu bạn quyết định thiền định, rồi bạn sẽ tìm ra phương thức giải phóng bạn hoàn toàn để cho việc thực hành Pháp. Tùy bạn chọn mục đích đúng đắn. Qua thực hành Pháp, giống như một nhà vua vô địch thu phục những đối thủ truyền kiếp của mình, các bạn sẽ đánh bại một lần cho tất cả mai sau sự chấp ngã nó đã hành hạ các bạn quá nhiều trong vô số đời.

Trích: Kho Tàng Tâm Của Các Bậc Giác Ngộ
Bản dịch Việt: An Phong và Đương Đạo
Thiện Tri Thức, 1999.
Ảnh: Đức Dilgo Khyentse Rinpoche

Chia sẻ là yêu thương! - Sharing is caring!

Leave a Reply