Kinh Dược Sư Bản Nguyện Thi Kệ

Kinh Dược Sư Bản Nguyện Thi Kệ từ Tu Viện Thiện Tường.

Lời giới thiệu:
Kinh Dược Sư là tên gọi tắt của Kinh Bản Nguyện và Công Đức của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai (C. Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bản Nguyện Công Đức Kinh; S. Bhagavān-bhaisajyaguru-vaidūryaprabhasya pūrvapranidhāna-viśesa-vistara) do Pháp sư Huyền Tráng (602-664) dịch từ Phạn sang Hán vào đời Đường. Từ khi được phiên dịch sang Hán ngữ, Kinh Dược Sư chẳng những có ảnh hưởng sâu rộng đến tín ngưỡng và hành trì ở Trung Quốc, mà còn đến các nước sử dụng Hán văn như Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Ở Việt Nam hiện nay có vài bản dịch Việt ngữ của Kinh Dược Sư. Nhưng được tụng đọc phổ biến nhất là bản Kinh Dược Sư do Thích Huyền Dung dịch, được xuất bản vào năm 1949. Theo truyền thống, ngoài việc tụng đọc Kinh Dược Sư để cầu an khi Phật tử gặp phải bệnh khổ, các chùa Việt Nam còn lập đàn tràng và trì tụng Kinh Dược Sư để cầu an cho các hàng Phật tử vào dịp đầu xuân. Đây là truyền thống tốt đẹp, nhằm thay thế tập tục cúng sao giải hạn của tín ngưỡng dân gian đã xen tạp vào sinh hoạt Phật giáo lâu nay.

1. Khái Quát Nội Dung Kinh Dược Sư

Xét về nội dung kinh, trước hết là phần duyên khởi, được coi là tông chỉ chính yếu của Kinh Dược Sư. Mở đầu, ngài Văn-thù-sư-lợi thưa thỉnh với đức Phật: “Kính bạch đức Thế Tôn, xin hãy nói danh hiệu, đại nguyện và công đức thù thắng của chư Phật, khi các Ngài thực hành Đạo Bồ-tát thuở xưa, để những ai được nghe sẽ dứt trừ nghiệp chướng, cũng như làm lợi lạc chúng sinh đời tượng pháp.” Đây là lý do kinh có tên “Bản Nguyện và Công Đức của Đức Phật Dược Sư.” Sau đó, đức Phật nói Kinh Dược Sư, gồm các nội dung: (1) Mười hai đại nguyện của đức Phật Dược Sư, (2) Công đức trì danh niệm Phật dứt trừ bệnh khổ, thành tựu ước nguyện, (3) Công đức trì chú Dược Sư để diệt trừ nghiệp chướng, (4) Phương pháp thiết lập đàn tràng Dược Sư tiêu tai diên thọ, (5) Mười hai vị đại tướng dược xoa phát nguyện hộ pháp.

Kinh Dược Sư tương đối dài. Trong hoàn cảnh bận rộn hiện nay, nhất là ở hải ngoại, nếu tụng đọc Kinh Dược Sư theo truyền thống có lẽ quá dài cho một thời khóa tụng! Hơn nữa, nội dung Kinh có sự và lý. Người thọ trì kinh phải “y nghĩa bất y ngữ” mới có thể “thâm nhập kinh tạng”. Cho nên, trong các chùa, quý Thầy thường dành thời giờ giảng Pháp cho Phật tử sau mỗi thời tụng niệm. Vì vậy, thời khóa tụng niệm nên ngắn gọn để có thời giờ cho Phật tử nghe Pháp.

Với những lý do trên, theo tinh thần khế lý khế cơ, bút giả đã chọn dịch (1) phần duyên khởi của kinh, (2) mười hai đại nguyện của đức Phật Dược Sư, (3) y báo trang nghiêm của cõi Phật Tịnh Lưu Ly ở phương đông. Như vậy, bản dịch này tuy ngắn gọn, nhưng vẫn giữ được phần tông chỉ cốt yếu của kinh. Đó chính là mười hai đại nguyện của đức Phật Dược Sư, cũng như công đức niệm Phật và cảnh giới trang nghiêm của cõi Tịnh Lưu Ly. Trong đó, phần quan trọng nhất là mười hai đại nguyện. Bút giả đã dịch mười hai đại nguyện của đức Phật Dược Sư qua thể thi kệ lục bát. Vì vậy, bản dịch này lấy tựa đề là Kinh Mười Hai Đại Nguyện Của Đức Phật Dược Sư, hay ngắn gọn hơn là Kinh Dược Sư Bản Nguyện Thi Kệ.

2. Nội Dung Chính Yếu Mười Hai Đại Nguyện Dược Sư

Nội dung mười hai đại nguyện của đức Phật Dược Sư được tóm tắt như sau:
-Nguyện thứ nhất: Đồng thành Phật đạo. Nguyện giúp chúng sinh thành Phật, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt của Như lai.
-Nguyện thứ hai: Tin sâu nhân quả. Nguyện giúp chúng sinh tin hiểu khổ vui đều do nhân quả nghiệp báo.
-Nguyện thứ ba: Phương tiện độ sinh. Nguyện dùng vô lượng phương tiện giúp chúng sinh hết khổ được vui.
-Nguyện thứ tư: Chánh kiến Đại Thừa. Nguyện giúp chúng sinh tà kiến, hay những người không tin Đại Thừa, khởi lòng chánh kiến, tin hiểu Đại Thừa.
-Nguyện thứ năm: Hộ giới, phục giới. Nguyện hộ người tu, giúp người lỡ phạm giới cấm vượt qua mặc cảm tội lỗi, trở lại thanh tịnh.
-Nguyện thứ sáu: Độ người tật nguyền. Nguyện giúp người tật nguyền, kém khuyết có được cuộc sống an ổn.
-Nguyện thứ bảy: Độ người nghèo bệnh. Nguyện giúp người bệnh hoạn thiếu thốn được lành bệnh, phát tâm học Phật.
-Nguyện thứ tám: Độ người nữ khổ. Nguyện giúp người nữ chịu nhiều tủi nhục bất công chuyển nữ thành nam, được mọi người kính trọng.
-Nguyện thứ chín: Độ người tà kiến. Nguyện những người lỡ sa vào ngoại đạo tà kiến nếu nghe được danh hiệu Phật biết thức tỉnh quay về Chánh Pháp.
-Nguyện thứ mười: Độ thoát ngục tù. Nguyện giúp người biết niệm Phật thoát chốn ngục tù đau khổ.
-Nguyện mười một: Tài thí Pháp thí. Nguyện tài thí giúp người vì nghèo đói mà tạo ác nghiệp, sau đó Pháp thí giúp học được hạnh phúc tuyệt đối của Niết-bàn.
-Nguyện mười hai: Dẫn nhập Phật đạo. Nguyện dùng ngũ dục thế gian để dụ dẫn chúng sinh tin Phật, niệm Phật, gieo duyên Phật đạo.

3. Mục Đích và Lợi Ích Tụng Kinh Dược Sư

Như vậy, chánh kiến thế gian: nhân quả nghiệp báo, chánh kiến xuất thế gian: giải thoát khổ đau, và chánh kiến Đại Thừa: Bồ-đề tâm và Bồ-tát hạnh đều đầy đủ trong mười hai đại nguyện của đức Phật Dược Sư. Vì vậy, mục đích người thọ trì Kinh Dược Sư Bản Nguyện là để thành tựu được những công đức sau đây:

1. Tụng Kinh Dược Sư Bản Nguyện để ý thức cuộc đời vô thường, già bệnh chết là điều không sao tránh được. Nhưng trong cảnh vô thường đó, người có phước và người vô phước khác nhau. Người có phước thì bệnh ít, lo ít, giàu sang và trường thọ. Người vô phước lại bệnh nhiều, lo nhiều, nghèo hèn và yểu thọ.

2. Tụng Kinh Dược Sư Bản Nguyện để có lòng tin sâu nhân quả. Ví dụ, muốn giàu sang phải biết hoan hỷ bố thí cúng dường. Muốn trường thọ phải biết từ bi không sát sinh và cứu mạng các loài.

3. Tụng Kinh Dược Sư Bản Nguyện để hiểu được công đức của niệm Phật, lễ Phật, tụng kinh… thực không thể nghĩ bàn. Công đức này có thể diệt trừ nghiệp chướng, tăng phước, tăng thọ. Lại nữa, một nếp sống lành mạnh, lương thiện, có đức tin và minh triết mới là nguyên nhân chính giúp chúng ta sống an vui, ít bệnh và trường thọ.

4. Tụng Kinh Dược Sư Bản Nguyện để nhận diện bệnh khổ là cửa ải gian nan của kiếp người. Nhưng người biết tu thân bệnh mà tâm không bệnh, thân khổ mà tâm không khổ. Người có đức tin, biết niệm Phật sẽ không còn sợ hãi trước cái chết. Như cây mọc nghiêng hướng nào, sẽ ngã về hướng đó, người tin Phật, niệm Phật sẽ sinh về cõi Phật.

5. Tụng Kinh Dược Sư Bản Nguyện không phải chỉ để lợi ích cho bản thân mà còn vì lợi ích cho chúng sinh. Người thọ trì kinh sẽ học theo hạnh Bồ-tát của đức Phật thuở xưa mà phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo, cứu khổ độ sinh, để cuối cùng thành tựu quả Phật.

4. Sám Nguyện Dược Sư

Để giúp cho quý Phật tử tin hiểu và ghi nhớ tông chỉ cốt yếu của Kinh Dược Sư, hai mươi năm trước bút giả đã viết ra bài Sám Nguyện Dược Sư. Sau mỗi thời kinh Dược Sư Bản Nguyện, đọc bài sám nguyện này giúp chúng ta tự xét lại mình, sám hối lỗi lầm, tinh tấn niệm Phật, và phát nguyện hành Bồ-tát Đạo như nhân địa tu hành của đức Phật Dược Sư thuở xưa.

Con quỳ đảnh lễ Phật Dược Sư
Ngưỡng nguyện quy y đấng Đại Từ
Phóng quang gia hộ cho đệ tử
Sáng tỏ đường về cõi vô dư.

Bao kiếp qua rồi bởi si mê
Gây nên nghiệp chướng rất nặng nề
Chiêu cảm thân tâm nhiều bệnh khổ
Nguyện xin sám hối hết mọi bề.

Bỏ ác làm lành, dứt sát sanh
Từ bi hỷ xả gắng tu hành
Chuyển hóa nghiệp nhân nhiều đời trước
Nạn tai tiêu sạch hưởng quả lành.

Nam-mô Dược Sư Lưu Ly Quang
Nguyện lớn độ người khắp thế gian
Gia hộ cho con lìa bệnh khổ
Tùy cơ cảm ứng chẳng nghĩ bàn.

Nam-mô Dược Sư Lưu Ly Quang
Thân dù bệnh khổ chẳng được an
Tâm giữ vững vàng luôn chánh niệm
Tây Phương chờ sẵn đóa sen vàng!

Nam-mô Dược Sư Lưu Ly Quang
Nguyện học hạnh Ngài cứu thế gian
Diệu Pháp cho đời vơi đau khổ
Trăm ngàn gian khó chẳng từ nan!

Vì mục đích dễ dàng thọ trì đọc tụng cho các hàng Phật tử, bút giả đã dịch mười hai đại nguyện qua thể thơ lục bát, còn phần văn xuôi cũng dịch theo nhịp câu năm chữ. Như vậy, Phật tử đọc lên sẽ có âm vận hài hòa, dễ đi vào lòng người. “Văn dĩ tải Đạo”, bút giả mong rằng Kinh Dược Sư Bản Nguyện Thi Kệ này với nội dung ngắn gọn, văn từ trong sáng và âm vận hài hòa sẽ được các chùa và quý Phật tử thọ trì rộng rãi trong những duyên sự cầu an hay đàn tràng Dược Sư đầu xuân.

Nam-mô Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai tác đại chứng minh.
Sakya Minh-Quang viết trong những ngày đầu xuân Canh Tý, 17 tháng 02, 2020.

Chia sẻ là yêu thương! - Sharing is caring!

Leave a Reply