Tiễn Con Xuất Gia

Bùi Hưu (791-864) là một vị quan thanh liêm, chính trực, có tài kinh bang tế thế đời Đường. Ông chẳng những giỏi văn thơ, thư pháp mà còn là một Phật tử thâm ngộ Phật Pháp, có công đức lớn trong việc hộ trì Chánh Pháp. Bùi Hưu đắc Pháp với Thiền sư Hy Vận Hoàng Bá và biên tập những lợi khai thị của Thiền sư Hoàng Bá thành sách Hoàng Bá Truyền Tâm Pháp Yếu hay còn được gọi là Uyển Lăng Lục, một tác phẩm thiền học nổi tiếng.

Trong bài viết này, bút giả chủ yếu giới thiệu một khía cạnh đời sống học Phật của Bùi Hưu, đó là hy sinh cho con xuất gia, khuyên răn con làm tròn sứ mệnh của người tu là giải thoát giác ngộ, cũng như đạo tình và bổn phận đối với Thầy mình và các huynh đệ đồng tu. Tình Cha con giữa Tể Tướng Bùi Hưu và con trai là Trạng nguyên Bùi Văn Đức, tức Pháp sư Pháp Hải, đã trở thành một gia thoại đẹp được truyền tụng rộng rãi trong thiền môn.

Con trai của Tể tướng Bùi Hưu là Bùi Văn Đức. Ông thi đậu Trạng nguyên, đáng lý được bổ nhiệm làm quan. Nhưng theo lời khuyên của cha, Bùi Văn Đức đã bỏ tất cả công danh sự nghiệp đi xuất gia, sau này trở thành một vị Cao tăng đắc đạo, có Pháp hiệu là Pháp Hải. Đây cũng chính là nhân vật lịch sử được mượn để trở thành nhân vật tiểu thuyết Hòa thượng Pháp Hải trong Truyện Bạch Xà Thanh Xà (Bạch Xà Truyện) sau này.

Tương truyền, Pháp Hải xuất gia có cuộc sống đạm bạc, lại thêm phải tập sự lao tác vất vả. Tập khí con quan lớn, quen sống trong nhung lụa, chìu chuộng, lại thêm có lòng tự hào về tri thức của một vị tân trạng nguyên, Pháp Hải đã có những bất mãn nhất định với đời sống xuất gia kham khổ. Khi thấy Hòa thượng thầy mình tọa thiền, dịch kinh, giảng Pháp…, làm những công việc dường như rất nhàn nhã và được nhiều người kính trọng, còn mình phải hành điệu, theo chúng lao tác cực khổ, Pháp Hải đã không nhẫn nại, đề lên chỗ mình công quả hai câu thơ:

Trạng nguyên gánh nước, nấu cơm
Hòa thượng ngồi đó ăn làm sao tiêu?

Chuyện đến tai Hòa thượng trụ trì. Hòa thượng đến đọc được hai câu này, chỉ mỉm cười rồi đề hai câu thơ vào bên dưới để trả lời:

Lão tăng ngồi một nén hương
Cũng tiêu được của mười phương cúng dường!

Đọc được câu trả lời này, Pháp Hải xấu hổ, sám hối, rồi từ đó dẹp sạch tâm ngã mạn, hết lòng tu học. Nhờ sự dạy dỗ của Thầy, khích lệ và sách tấn của Cha là Tể Tướng Bùi Hưu, cuối cùng Pháp Hải trở thành một bậc cao tăng một đời!

Sự thành tựu đạo nghiệp của Pháp Hải, có công đức rất lớn của cha mình là Tể tướng Bùi Hưu. Chính Bùi Hưu là người đã khích lệ con mình là Bùi Văn Đức xuất gia. Chúng ta thử đọc bài thơ Tiễn Con Xuất Gia của Bùi Hưu:

Nén đau tiễn con vào cửa không
Căn lành con phải gắng vun trồng
Thân chớ nhiễm đời theo tài sắc
Tâm luôn giữ Đạo dẫu gai chông
Xem kinh, niệm Phật nghe Thầy dạy
Sáng Đạo đền ơn khắc ghi lòng!
Ngày sau thành bậc đại Pháp khí
Trời người tôn quý, cha đợi trông!

( Sa-môn Sakya Minh-Quang dịch)

Hai câu đầu bài thơ đã nói lên hết lòng Cha thương con như thế nào! Đây là một tình thương rộng lớn, vì đạo vì đời mà hy sinh cho con mình xuất gia. Cha cũng đau lòng lắm trước chia ly, nhưng tâm Đạo và tâm từ bi đã giúp Bùi Hưu vượt qua ân ái thường tình:

Nén đau tiễn con vào cửa không
Căn lành con phải gắng vun trồng!
Thay vì mong ước con mình lấy vợ sinh con, thăng tiến trên đường hoạn lộ, Bùi Hưu lại kỳ vọng Bùi Văn Đức vừa thi đậu Trạng nguyên xuất gia thành tựu đạo nghiệp, trở thành bậc Pháp khí để lợi ích chúng sinh:

Ngày sau thành bậc đại Pháp khí
Trời người tôn quý, Cha đợi trông!

Đây là lý do người xuất gia mỗi bữa cơm quá đường, hai tay cầm bình bát đều phải nhắc nhở mình:

Tay cầm bình bát nhớ ghi
Nguyện cho muôn loại từ bi tu hành
Xuất gia hoằng Pháp lợi sanh
Thành bậc Pháp khí, phước lành nhân thiên!

(Chấp trì ứng khí, đương nguyện chúng sanh, thành tựu Pháp khí, thọ thiên nhân cúng).
Bùi Hưu cũng nhắc con mình phải cố gắng vượt qua những cám dỗ của ngũ dục và những chướng duyên nghịch cảnh trên con đường Đạo, luôn tinh tấn tu học, hiếu thuận lắng nghe lời khuyên dạy của Thầy để có thể thành tựu Đạo nghiệp:

Thân chớ nhiễm đời theo tài sắc
Tâm luôn giữ Đạo dẫu gai chông!

Tu hành có hai chướng ngại đó là thuận duyên chướng và nghịch duyên chướng. Thuận duyên chướng là được nhiều người cung kính, cúng dường, có danh vọng và địa vị trong xã hội hay trong giáo hội. Bao quanh bởi ngũ dục là tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ…, phàm phu tăng rất dễ đánh mất chánh niệm, trở nên sa đọa mà không tự giác tỉnh. Do đó Bùi Hưu dạy con: “Thân chớ nhiễm đời theo tài sắc”.

Còn nghịch duyên chướng là sự nghèo khó, vất vả, thiếu trợ duyên hộ trì trên con đường tu học và hoằng PHáp, lại thêm bị thầy la rầy sinh tâm tự ái, huynh đệ bất hòa sinh lòng hờn giận, Phật tử hiểu lầm, thị phi… sinh ra bất mãn v.v…. Tất cả những nghịch duyên này đều khiến mình bỏ dỡ đường tu, quên mất lý tưởng ban đầu! Cho nên Bùi Hưu bảo: “Tâm luôn giữ Đạo dẫu gai chông”.

Tương tự ý này, Hòa thượng Thích Thiền Tâm đã bày tỏ những chướng ngại, cũng như nhắc nhở người tu phải giữ gìn chí hướng xuất trần thượng sĩ của mình:

Cửa rồng tăm cá vượt
Đỉnh nhạn bóng chim qua
Khách đi biền biệt sơn hà
Đường tu gian khổ
Chướng ngại trải hằng sa
Nghịch thuận duyên ma khảo
Thương ghét nợ oan gia
Khổ vui bao quản
Vinh nhục tợ sương hoa
Khá thương kham nhẫn cõi Ta-bà
Nhẫn nại, bền lòng tinh tiến mãi
Ác vàng thỏ bạc
Năm tháng sẽ dần dà!

(Niệm Phật Thập Yếu)

Sau khi nhắc nhở con xong, Bùi Hưu lại dạy con mình xuất gia phải biết nghe lời Thầy dạy, siêng năng học hỏi kinh luật luận, tinh tấn niệm Phật tham thiền để có thể giác ngộ, sáng tỏ chân lý:

Xem kinh, niệm Phật nghe Thầy dạy
Sáng Đạo đền ơn khắc ghi lòng.

Vâng, chỉ có “sáng Đạo”, hoằng Pháp lợi sinh, mới có thể đền đáp bốn ơn nặng, đó là ơn cha mẹ, thầy tổ, đàn-na tín thí và tất cả chúng sinh! Cho nên nói: “Sáng Đạo đền ơn khắc ghi lòng”.

Và cuối cùng đây là tất cả những gì mà Bùi Hưu mong đợi:

Ngày sau thành bậc đại Pháp khí
Trời người tôn quý, cha đợi trông!

Đọc đến đây, bút giả chợt nhớ đến đoạn thư mà Mẹ của Thiền sư Động Sơn viết gởi cho con. Khi Động Sơn gởi thư về nhà từ biệt mẹ, phát thệ nếu chưa ngộ đạo thì chưa về thăm nhà, bà mẹ đã viết thư hồi âm:

-Con viết thư vì quyết chí xuất gia, cha mất, mẹ già, anh yếu, em nghèo… Mẹ biết trông cậy vào ai? Con có ý bỏ mẹ, mà mẹ nào có tâm quên con! Từ khi con cất bước tha phương ngày đêm mẹ đều rơi lệ! Khổ thay, khổ thay! Nay con lại thệ chẳng về quê! Mẹ không mong con như Vương Tường nằm giá, Đinh Lan khắc cây, mẹ chỉ mong con như Tôn giả Mục Liên trở về độ mẹ, thoát khỏi trầm luân, bước lên bờ giác! Bằng chẳng được vậy, tội bất hiếu này thực khó tránh thay!

Có những người Cha người Mẹ hy sinh vĩ đại như vậy, mới có những người con xuất gia xuất chúng như Pháp sư Pháp Hải hay Thiền sư Động Sơn Lương Giới!

Ngoài bài thơ Tiễn Con Xuất Gia trên, Bùi Hưu còn viết một bài châm cảnh sách để nhắc nhở, khuyến tấn con trong đời sống xuất gia hằng ngày:

Bài Châm Cảnh Sách
警策箴

Con xuất gia
Phải lập chí
Tìm Thầy học Đạo chẳng dễ chi
Tha thiết một lòng cầu khai thị!

Thắp hương, thay nước phải ân cần
Điện Phật, phòng tăng luôn chăm chỉ.

Đừng ham chơi
Chớ đùa nghịch
Đi thưa về trình theo đúng lịch.

Đã xuất gia
Chớ về nhà
Diệu Pháp không nghe Đạo cách xa.

Kính sư huynh
Nhắc sư đệ
Sống trong cửa thiền tình huynh đệ.

Trên kính dưới nhường, phải khiêm hòa
Đừng khinh người khác, không cậy thế!

Cơm áo quý
Được dễ chi
Biết đủ, không cầu ngon đẹp dị.

Cơm rau đạm bạc sống qua ngày
Áo quần đơn giản tùy cúng thí.

Vinh hoa, áo gấm chết liệm thi!
Hiểu Đạo, vàng ròng có gì quý?

Rõ tam không
Thông tứ trí
Thập địa đốn siêu quyết lập chí!

Lễ Quán Âm
Trì Thế Chí
Người ngủ, mình tu không tham nghỉ.

Canh ba nằm ngủ, thức canh năm
Bước lên điên Phật tu mới quý!

Thắp đèn sáng
Thay nước sạch
Lễ bái Như Lai khai mở trí.

Đáp đền cha mẹ dưỡng dục ân
Trời rồng tám bộ đều hoan hỷ.

(Sa-môn Sakya Minh-Quang dịch)

Đọc bài châm cảnh sách này của Bùi Hưu, những ai xuất gia chân chính nghĩ đến ơn đức của Cha Mẹ chắc hẳn phải rơi lệ! Có lẽ, giới Phật giáo Việt Nam vẫn chưa biết đến rộng rãi những tác phẩm văn học Phật giáo vô cùng giá trị này, nên hôm nay bút giả xin giới thiệu với đại chúng bài thơ Tiễn Con Xuất Gia và bài Châm Cảnh Sách của Tể tướng Bùi Hưu qua bản dịch và đôi lời bình luận của mình.

Kính thưa đại chúng,

Nhân duyên lớn lắm mới được xuất gia! Phước báu lớn lắm mới có con xuất gia! Cho nên những bậc làm Cha Mẹ xin hãy ủng hộ chí nguyện xuất gia của con mình và khích lệ, giúp đỡ con mình đi trọn con đường cao thượng hộ Đạo giúp đời này!

Con đường xuất gia là con đường đi ngược dòng đời (going upstream), kế thừa gia nghiệp của Phật Tổ để hoằng Pháp lợi sinh. Con đường này rất khó khăn nhưng cũng vô cùng ý nghĩa, đòi hỏi người xuất gia phải luôn chánh niệm tỉnh giác trước lợi danh tình ái, phải có tâm nhẫn nại và nhẫn nhục để vượt qua những nghịch cảnh trong đạo ngoài đời. Cho nên, Kinh Di Giáo nói: “Công đức của nhẫn nhục còn lớn hơn công đức của trì giới hay khổ hạnh!”

Chúng ta có thể bị thầy la rầy mà tự ái, chúng ta có thể va chạm với huynh đệ đồng tu mà giận hờn, chúng ta có thể bị Phật tử hiểu lầm hay không tôn trọng mà bất mãn v.v…. Thực ra, có đến 1001 lý do để mình phiền não bỏ tu! Nhưng nhờ luôn chánh niệm lý tưởng ban đầu, lập hạnh nhẫn nại và trân quý sự nhắc nhở dù nghiêm khắc của thầy tổ, chúng ta sẽ vượt qua những thử thách trong giai đoạn đầu, tìm được chỗ an thân lập mệnh, cuối cùng thành tựu Đạo nghiệp để đền đáp ơn xưa!

Lịch sử đã có biết bao gương xuất gia vượt qua chướng nạn, cuối cùng thành tựu Đạo Nghiệp huy hoàng, trong đó có Pháp sư Pháp Hải và Thiền Sư Động Sơn Lương Giới! Nhưng chúng ta phải biết đằng sau sự thành tựu đó có sự hy sinh lớn lao của biết bao bà Mẹ và người Cha vĩ đại như Bùi Hưu và Mẹ của Ngài Động sơn!

Vĩ đại và cảm động thay cho sự hy sinh cao cả Cha và Mẹ những người con xuất gia!

Sa-môn Sakya Minh-Quang
Viết ngày 11/03/2021 tại Tu Viện Thiện Tường

Chia sẻ là yêu thương! - Sharing is caring!

Leave a Reply