Mọi Sự Chính Là Tâm

Những Giáo Huấn Thực Hành về Sự Hợp Nhất của Đại Ấn và Đại Toàn Thiện
của Karma Chagmé với bình giảng của Gyatrul Rinpoche

Trong thế giới này nhiều sự nói xấu được lan truyền, và tất cả chúng đều sanh ra từ nghiệp của người ta – từ những hành động và những kết quả của chúng – với gốc rễ là tâm thức của họ. Mọi sự thay đổi, vui, buồn, sướng khổ, thương, ghét… đều do tâm thức. Mọi quan điểm đều vô thường và một cách nền tảng, chỉ là những xuất hiện của tâm thức. Thế nên, chớ chú trọng đến chúng quá nhiều. Cần chú trọng nhiều là chính tâm thức của bạn!

Trong truyền thống Đại Toàn Thiện, Guhyagarbhatantra nói rằng tinh túy không gốc rễ của mọi sự chính là tâm. Mặt khác tâm là nền tảng, hay gốc rễ, của tất cả những hiện tượng, nhưng bản thân tâm thì không có gốc rễ, hay tinh túy. Khi nói rằng toàn thể sanh tử và Niết bàn có tâm làm gốc rễ của chúng, chúng ta có thể hỏi, “Tâm là của ai? Có phải là tâm của một cá nhân không?” Câu trả lời là không; tâm của tất cả chúng sanh. Sự liên hệ của sanh tử và Niết bàn với tâm của Phật không phải là liên hệ với tâm của một vị Phật mà là với tất cả chư Phật. Những tạo tác ý niệm vô số của tâm phát triển, và do chạy theo những cái ấy, chúng ta kéo dài mãi sự hiện hữu của chúng ta trong sáu cõi sanh tử, và cũng kéo dài ba độc của tâm. Một cách cơ bản, chúng ta kéo dài sanh tử của chúng ta bằng cách bám níu vào cái không có hiện hữu đích thật mà cho là thật. Vì lý do này, đức Phật dạy Bốn Thánh Đế, hai vô ngã, tức là nhân vô ngã và pháp vô ngã, và cái thấy tánh Không. (more…)