Kinh Hoa Nghiêm – Phẩm Thăng Lên Ðỉnh Núi Tu Di

Kinh Hoa Nghiêm
Đại Phương Quảng Phật
giảng giải
Phẩm Thăng Lên Ðỉnh Núi Tu Di
Hòa Thượng TUYÊN HÓA
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Ðịnh

— o0o —

Phẩm Thứ 13

Núi Tu Di nằm chính giữa bốn đại châu (Ðông Thắng Thần Châu, Nam Thiệm Bộ Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Bắc Câu Lư Châu), dùng kim cang làm nền móng. Trong biển có tám vạn bốn ngàn do tuần. Phía ngoài núi Tu Di là biển Hương Thủy (biển nước thơm), bao bọc núi Tu Di. Có bảy tầng biển Hương thủy chảy chung quanh, có bảy tầng núi vàng bao bọc. Phía ngoài núi vàng của tầng thứ bảy thì có biển nước mặn. Phía ngoài của biển nước mặn thì có núi Thiết Vi.

Diện tích tầng thứ hai là tám ngàn do tuần. Diện tích của tầng thứ ba là bốn ngàn do tuần. Diện tích của tầng thứ tư là hai ngàn do tuần. Lại có bốn thứ màu sắc, đó là: Màu vàng, màu bạc, màu kim cang, màu lưu ly.

Trời Tứ Thiên Vương ở lưng chừng giữa núi Tu Di. Trời Ðao Lợi ở trên đỉnh núi Tu Di. Ðỉnh núi này đều là nơi người trời và bậc Thánh nhân ở. Vì chưa lìa khỏi đất, cho nên gọi là địa cư Thiên.

Tu Di dịch là Diệu Cao. Từ hai chữ diệu cao mà nhìn, thì tòa núi này khả hữu khả vô (có thể có, có thể không). Lúc nhìn thấy thì chẳng thấy đỉnh của nó; lúc chẳng thấy thì núi vẫn sừng sững. Tại sao ? Vì là diệu cao ! Ðỉnh núi đó ngoài các vị tiên và Thánh nhân dùng thần thông mới đến được đỉnh, còn các phàm phu chẳng đến đỉnh được. Vì nó là cảnh giới diệu không thể tả, cho nên gọi là núi Diệu Cao.

Phật Thích Ca Mâu Ni, từ Điện Phổ Quang Minh thăng lên đỉnh núi Tu Di, để vì chư Thiên mà diễn nói diệu pháp của kinh Hoa Nghiêm. Song Ngài chẳng động tòa ngồi, vẫn ngồi ở dưới cội bồ đề nhập định. Ở trong định phóng quang minh, gia bị cho các Bồ Tát đại biểu diễn nói, phẩm Thăng Lên Ðỉnh Núi thuộc về thứ mười ba.

Nhĩ thời, Như Lai uy thần lực cố, thập phương nhất thiết thế giới, nhất nhất tứ thiên hạ Diêm-phù-đề trung, tất kiến Như Lai tọa ư thụ hạ, các hữu Bồ Tát thừa Phật thần lực nhi diễn thuyết Pháp, mị bất tự vị hằng đối ư Phật.

Bấy giờ, do oai thần lực của Như Lai, mười phương tất cả thế giới, mỗi mỗi tứ Thiên hạ trong cõi Diêm Phù Đề, đều thấy Như Lai ngồi dưới cội bồ đề, đều có Bồ Tát nương thần lực của Phật mà diễn nói pháp, hết thảy đều cho rằng mình luôn ở trước Phật.

Giảng: Khi nói xong hội thứ hai thì Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni hiện ra đại oai thần lực. Trong mười phương vô lượng vô biên thế giới, trong cõi Nam Diêm Phù Ðề (Nam Thiệm Bộ Châu của một tứ thiên hạ (bốn đại châu), mười phương thế giới chúng sinh, đều thấy Phật ngồi dưới cội bồ đề thành Chánh Đẳng Chánh Giác. Bên thân của mỗi vị Phật, đều có vô lượng vô biên Bồ Tát, nương đại oai thần lực của Phật, để diễn nói tất cả các pháp. Mỗi vị Bồ Tát và tất cả chúng sinh, đều nói như vầy: ‘’Phật luôn đối diện với mình mà nói pháp.’’ Ðây cũng giống như mặt trăng: Chúng sinh ở bốn hướng đông tây nam bắc, đều nói mặt trăng ở trước họ, chiếu sáng họ.

Ví như thuyền chạy ở trong biển. Thuyền chạy về hướng đông, thì cảm thấy mặt trăng đi theo họ để chiếu sáng họ. Thuyền chạy về hướng tây, thì cảm thấy mặt trăng đi theo họ để chiếu sáng họ. Thuyền đậu tại chỗ, thì cảm thấy mặt trăng trụ ở trong hư không để chiếu sáng họ. Chúng sinh cõi Nam Diêm Phù Ðề, cảm thấy Phật đang ở trước họ để vì họ nói pháp. Chúng sinh cõi Nam Diêm Phù Ðề trong mười phương thế giới, cũng đều nghĩ như thế. (more…)