Kinh Dược Sư Bản Nguyện Thi Kệ

Kinh Dược Sư Bản Nguyện Thi Kệ từ Tu Viện Thiện Tường.

Lời giới thiệu:
Kinh Dược Sư là tên gọi tắt của Kinh Bản Nguyện và Công Đức của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai (C. Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bản Nguyện Công Đức Kinh; S. Bhagavān-bhaisajyaguru-vaidūryaprabhasya pūrvapranidhāna-viśesa-vistara) do Pháp sư Huyền Tráng (602-664) dịch từ Phạn sang Hán vào đời Đường. Từ khi được phiên dịch sang Hán ngữ, Kinh Dược Sư chẳng những có ảnh hưởng sâu rộng đến tín ngưỡng và hành trì ở Trung Quốc, mà còn đến các nước sử dụng Hán văn như Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Ở Việt Nam hiện nay có vài bản dịch Việt ngữ của Kinh Dược Sư. Nhưng được tụng đọc phổ biến nhất là bản Kinh Dược Sư do Thích Huyền Dung dịch, được xuất bản vào năm 1949. Theo truyền thống, ngoài việc tụng đọc Kinh Dược Sư để cầu an khi Phật tử gặp phải bệnh khổ, các chùa Việt Nam còn lập đàn tràng và trì tụng Kinh Dược Sư để cầu an cho các hàng Phật tử vào dịp đầu xuân. Đây là truyền thống tốt đẹp, nhằm thay thế tập tục cúng sao giải hạn của tín ngưỡng dân gian đã xen tạp vào sinh hoạt Phật giáo lâu nay.

1. Khái Quát Nội Dung Kinh Dược Sư

Xét về nội dung kinh, trước hết là phần duyên khởi, được coi là tông chỉ chính yếu của Kinh Dược Sư. Mở đầu, ngài Văn-thù-sư-lợi thưa thỉnh với đức Phật: “Kính bạch đức Thế Tôn, xin hãy nói danh hiệu, đại nguyện và công đức thù thắng của chư Phật, khi các Ngài thực hành Đạo Bồ-tát thuở xưa, để những ai được nghe sẽ dứt trừ nghiệp chướng, cũng như làm lợi lạc chúng sinh đời tượng pháp.” Đây là lý do kinh có tên “Bản Nguyện và Công Đức của Đức Phật Dược Sư.” Sau đó, đức Phật nói Kinh Dược Sư, gồm các nội dung: (1) Mười hai đại nguyện của đức Phật Dược Sư, (2) Công đức trì danh niệm Phật dứt trừ bệnh khổ, thành tựu ước nguyện, (3) Công đức trì chú Dược Sư để diệt trừ nghiệp chướng, (4) Phương pháp thiết lập đàn tràng Dược Sư tiêu tai diên thọ, (5) Mười hai vị đại tướng dược xoa phát nguyện hộ pháp.

Kinh Dược Sư tương đối dài. Trong hoàn cảnh bận rộn hiện nay, nhất là ở hải ngoại, nếu tụng đọc Kinh Dược Sư theo truyền thống có lẽ quá dài cho một thời khóa tụng! Hơn nữa, nội dung Kinh có sự và lý. Người thọ trì kinh phải “y nghĩa bất y ngữ” mới có thể “thâm nhập kinh tạng”. Cho nên, trong các chùa, quý Thầy thường dành thời giờ giảng Pháp cho Phật tử sau mỗi thời tụng niệm. Vì vậy, thời khóa tụng niệm nên ngắn gọn để có thời giờ cho Phật tử nghe Pháp.

Với những lý do trên, theo tinh thần khế lý khế cơ, bút giả đã chọn dịch (1) phần duyên khởi của kinh, (2) mười hai đại nguyện của đức Phật Dược Sư, (3) y báo trang nghiêm của cõi Phật Tịnh Lưu Ly ở phương đông. Như vậy, bản dịch này tuy ngắn gọn, nhưng vẫn giữ được phần tông chỉ cốt yếu của kinh. Đó chính là mười hai đại nguyện của đức Phật Dược Sư, cũng như công đức niệm Phật và cảnh giới trang nghiêm của cõi Tịnh Lưu Ly. Trong đó, phần quan trọng nhất là mười hai đại nguyện. Bút giả đã dịch mười hai đại nguyện của đức Phật Dược Sư qua thể thi kệ lục bát. Vì vậy, bản dịch này lấy tựa đề là Kinh Mười Hai Đại Nguyện Của Đức Phật Dược Sư, hay ngắn gọn hơn là Kinh Dược Sư Bản Nguyện Thi Kệ.

2. Nội Dung Chính Yếu Mười Hai Đại Nguyện Dược Sư (more…)

Ý Nghĩa Bản Tôn

Kyabje Khamtrul Rinpoche
 
Khi bạn nhìn thấy một Bản tôn phẫn nộ hay Bản tôn an bình thì hoàn toàn không có nghĩa là Bản tôn đó an bình hay giận dữ. Các Bản tôn khác nhau biểu trưng cho các xúc tình khác nhau của chúng sinh. Vì con người có vô số xúc tình phiền não khác nhau nên các Bản tôn cũng như vậy, các Ngài có vô số hình tướng khác nhau. Thế nhưng rốt cuộc chúng ta phải hiểu rằng mỗi xúc tình, mỗi hiện tượng xét từ quan kiến Đại Thừa, đều phải được hiểu là tính Không. Như vậy, tính Không là gì? Trong Đại Thừa chúng ta nói tính Không là Pháp thân, Pháp thân chính là Phật. Vì thế nên chúng ta cũng nói rằng Phật tính chính là tính Không. Như vậy nói tóm lại, các vị Bản tôn khác nhau biểu trưng cho các xúc tình khác nhau của chúng ta. Những xúc tình này được nhận diện và chuyển hóa sẽ biến thành các Đức Phật Bản tôn. Chẳng hạn, khi được nhận ra, sân giận sẽ chuyển hóa thành một vị Phật trong hình tướng phẫn nộ. Khi tham muốn chuyển hóa thành thì sẽ trở thành một vị Phật hoan hỷ, an lạc…
Các Bản tôn hợp nhất là tượng trưng cho đại lạc và tính Không bất khả phân, hoặc chúng ta có thể gọi đó là phương tiện và trí tuệ. Nếu điều này quá khó hiểu thì bạn cũng có thể sử dụng những từ ngữ sử dụng trong Đại Thừa. Chẳng hạn như trong Đại Thừa chúng ta có sáu Ba la mật, năm Ba la mật đầu là phương tiện, còn Bát Nhã Ba La Mật là trí tuệ. Như vậy bạn có thể nói rằng sự thực hành cần đi liền với hợp nhất, hoặc ngay trong các sự vật hiện tượng (vạn pháp) cũng vậy, cho dù có tồn tại song vẫn có tính Không đi kèm, giống như hình ảnh trong gương. Như vậy để nói rằng ngay bên ngoài cũng có sự hợp nhất giữa Mẫu tính tượng trưng cho tính Không và Phụ tính tượng trưng cho Từ bi hoặc chính là sự hiện hữu.
 
Ngay lúc bạn có xúc tình thì như vậy là bạn đang thực hành không đúng pháp. Khi đang quán tưởng một Bản tôn an bình, bạn không được có khái niệm rằng mình là một Bản tôn an bình, mình là một vị Phật đang mỉm cười hoan hỷ. Hoặc khi thực hành một Bản tôn phẫn nộ, bạn cũng không thể nghĩ: “Giờ thì tôi là một Bản tôn phẫn nộ”. Bạn không thể có những xúc tình như vậy vì điều quan trọng ở đây là chúng ta đang cố gắng hiểu ra rằng sự hiền hòa hay phẫn nộ cũng đều là trí tuệ, tất cả đều là tính Không. Như vậy xét từ phương diện thực hành, bạn có tiếp cận theo cách nào thì cũng giống nhau. Sắc thân phải là sự hợp nhất bất khả phân của sự vật hiện tượng và tính Không. Khẩu (lời nói) phải giống như tiếng vang vọng, sự tồn tại và tính Không là không thể tách rời. Ý cũng như vậy, bất cứ xúc tình nào khởi phát, bạn chỉ cần nhận biết rồi để cho tan biến vào tự tính tự nhiên. Sự thực hành này áp dụng cho tất cả các thực hành Bản tôn.
 
Thông thường đối với hành giả mới tu tập, tốt nhất là nên chọn một Bản tôn an bình để thực hành. Bản tôn phẫn nộ không thích hợp cho hành giả mới tu tập, đặc biệt đối với Phật tử Việt Nam. Tôi nghĩ là chưa phù hợp do có thể dễ gây ra hiểu nhầm. Trong quá khứ, có nhiều hành giả cũng từng tu tập Bản tôn phẫn nộ nhưng lại thiếu sự hiểu biết thấu đáo. Chẳng hạn như khi bạn quán tưởng Bản tôn, nếu có lòng tin rằng mình là Bản tôn theo kiểu: “Tôi, pháp danh Vô Úy, là một Bản tôn phẫn nộ”, thì rồi Bản tôn trong sự quán tưởng của bạn sẽ trở thành một vị thần Bản địa, một Bản tôn thông thường. Ngay ở Tây Tạng và Bhutan, cũng có nhiều người lạm dụng những vị Bản tôn để thực hành tà pháp. Họ quán tưởng Bản tôn, nhưng họ lại tin tưởng chắc chắn rằng Bản tôn ấy thực sự tồn tại ở bên ngoài, hoặc “tôi là Bản tôn”, rồi thế là sự quán tưởng trở thành một vị thần phàm tục.
 
Chính vì vậy nên chúng ta vẫn thường nhắc đi nhắc lại rằng khi bạn quán tưởng tự thân mình là Đức Avalokiteshvara (Quán Thế Âm), như thế không có nghĩa là bạn tự nhủ: “Tôi, pháp danh Vô Úy, biến thành Avalokiteshvara”. Thay vì thế, bạn cần phải có được sự thấu hiểu rằng từ vô thủy tới nay, Phật tính của tôi hoặc tự tính tâm không tạo tác của tôi vẫn luôn là Avalokiteshvara, vẫn luôn là Varjavarahi (Kim Cương Hợi Mẫu, một hiện thân khác của Vajra Yogini – Kim Cương Thánh Mẫu), và sự hiểu biết này sẽ được chuyển hóa hoặc hiện thân thành Avalokiteshvara. Đó chính là lý do vì sao mà chúng ta cần quán tưởng hòa tan. Avalokiteshvara hòa tan vào trong chân ngôn và tất cả hòa tan vào tự tính tâm của bạn. Mọi thứ bắt nguồn từ tính Không và quay trở về hòa nhập với tính Không. Khi chúng ta có niềm tin rằng mình là Bản tôn này hay Bản tôn kia, thì niềm tin đó không phải là chúng ta nay là Bản tôn này, mà phải được hiểu là từ nguyên thủy tới nay tâm không tạo tác của ta vốn là Avalokiteshvara. Bạn không nên giữ tâm nhị nguyên với khái niệm “Tôi là thế này hay thế kia” bởi thực hành như vậy là không đúng.
 
Còn về phần cúng dường, nếu bạn không tu theo nghi quỹ Mật Thừa và chưa thụ nhận quán đỉnh mà chỉ muốn thực hành pháp cúng dường thông thường, thí dụ pháp thực hành Liên Hoa Sinh, bạn chỉ cần quán tưởng mình vẫn đang là một người bình thường rồi đức Liên Hoa Sinh hiện ra trước mặt bạn. Sau đó khi bạn đang trì chân ngôn, và khi tính tâm khởi phát từ tâm bạn, ánh sáng sẽ phát ra và sẽ biến thành quả, hoa hoặc bất cứ phẩm vật cúng dường nào đó để dâng lên đức Liên Hoa Sinh. Bạn có thể quán tưởng như vậy và đó cũng là cúng dường. Ánh sáng đó cũng có thể biến thành lời triệu thỉnh và cầu nguyện. Và cuối cùng, khi ánh sáng đó quay trở lại hòa nhập vào bạn và hữu tình chúng sinh thì đó sẽ là sự gia trì, tịnh hóa và viên mãn sở nguyện.
 
Trong khi quán tưởng, chẳng hạn quán tưởng Thượng sư Liên Hoa Sinh hay Tara Độ Mẫu trước mặt, bạn cần hiểu rằng có Đức Liên Hoa Sinh bên ngoài, bên trong và bí mật. Thượng sư Liên Hoa Sinh bên ngoài có thể là bậc Căn bản Thượng sư của chúng ta. Thượng sư Liên Hoa Sinh bên trong có thể là trong Báo thân ở cõi Tịnh độ. Thượng sư Liên Hoa Sinh bí mật chính là tự tính, là trạng thái không tạo tác của vạn pháp, bao gồm cả tự tính tâm của chúng ta. Vì thế chúng ta cần phải quán tưởng Sắc tướng của Bản tôn giống như bóng trăng phản chiếu trên mặt nước; Khẩu giống như tiếng vang vọng; Tâm phải tràn ngập trí tuệ bất nhị. Đối với hành giả mới bắt đầu tu tập thì điều này rất khó, vì vậy bạn chỉ cần quán tưởng Thượng sư Liên Hoa Sinh đang thực sự hiện thân phía trước bạn, rồi bạn bắt đầu trì tụng lời cầu nguyện. Ở mức độ hành giả mới thực hành thì được như vậy là rất tốt rồi, dần dần từng chút một, nếu biết kiên trì trên con đường tu tập, mọi thứ sẽ được trưởng dưỡng nơi bạn. Trên thực tế, bậc Thầy có thể khai thị cho bạn về tính Không của Sắc thân nhưng bạn sẽ chỉ thực sự thực chứng được điều này nhờ vào sự thực hành của chính mình.

Trích: Bản Tôn Chân Ngôn Trí Tuệ Kim Cương Thừa
Tác giả: Kyabje Khamtrul Rinpoche
Người dịch: Vô Úy
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2012.
Ảnh: Internet