Tiểu Thừa, Đại Thừa, Tantra, Và Dzogchen

Nuden Dorje
 
* Tiểu thừa, Đại Thừa
 
Nói chung, những giáo lý của Phật bắt đầu với cái được gọi là con đường tiểu thừa (hinayana), chú tâm vào việc tách lìa khỏi sanh tử. Trong cách tiếp cận thế giới này, bạn dùng nhiều thời gian suy nghĩ kinh nghiệm đời sống đáng sợ như thế nào. Chúng ta làm như vậy để phá hoại khuôn khổ của sự gán ghép ý nghĩa cho những sự vật trong thế giới của chúng ta. Chẳng hạn, bạn phải suy nghĩ thân này đầy những chất ghê tởm như mủ, máu, gân, xương, nước tiểu, phân và thân người khác cũng như vậy thì tham muốn của bạn phải giảm sút.
 
Nếu chúng ta muốn từ bỏ sanh tử và thoát khỏi nó, luôn luôn dễ hơn nhiều khi nghĩ về những lỗi lầm của những người khác. Trong phần từ bỏ mọi đối tượng kích thích những giác quan đẩy chúng ta vào tham hay sân, mọi thứ làm mạnh thêm sự nối kết của chúng ta với thế giới cần phải được dừng lại.
 
Tuy nhiên trong cái thấy nyingma mà chúng ta nỗ lực thực hành, chúng ta dùng những yếu tố then chốt của quan điểm từ bỏ này và hòa nhập chúng. Thay vì thực sự tin tưởng sanh tử là một chốn khó khăn, chúng ta dùng ý tưởng này như một áp lực chiến thuật để cố gắng đánh bật khuôn khổ của sự bám luyến của chính chúng ta. Điều đó nghĩa là chúng ta dùng thái độ như một phương pháp giúp chúng ta bớt bám chấp vào những ám ảnh bình thường của mình để cho chúng ta có nhiều không gian hơn để nhận biết cái gì là thật tánh của hiện hữu chúng ta. Và rồi trong con đường đại thừa chúng ta khai triển trí huệ và lòng bi cùng nhau và chúng ta lập lại điều này để có nhiều không gian hơn nữa. Nếu chúng ta cam kết giúp đỡ những người khác, chúng ta sẽ không thể làm điều này nếu tiếp tục bị ám ảnh bởi tự ngã.
 
Trong con đường tiểu thừa chúng ta nói thế giới là xấu và muốn ra khỏi nó đến độ có một xung đột giữa chúng ta và thế giới. Nhưng trong con đường đại thừa chúng ta cố gắng nội tâm hóa sự xung đột khiến nguyện vọng tốt đẹp và giúp đỡ người khác của chúng ta xung đột với nghiệp xấu ích kỷ của chúng ta. Mặc dù đặt người khác lên trước nhất, nhưng cái ta ích kỷ và người luôn luôn có xung đột. Và giải pháp thực sự trong đại thừa là chiến đấu, khi người ta tự nguyện trải qua nhiều đời để giúp đỡ những người khác. Đó là dấn thân trực tiếp với những biểu lộ của giới hạn, và tịnh hóa nó qua trí huệ.

 
Trong con đường tiểu thừa động lực căn bản hay kiểu mẫu căn bản là người từ bỏ, người từ bỏ gia đình, nhà cửa, để thế giới lại đàng sau. Trong con đường đại thừa, động lực chính là người phụng sự. Người ta bỏ đi tự do của mình để trở thành một người phụng sự những người khác. Nhưng đồng thời đây là một việc phục vụ đem lại thích thú, bởi vì chìa khóa của việc đi vào đó là cái hiểu tánh Không. Thế nên chúng ta phải có cái hiểu nào đó về tánh Không, nếu khác đi thì một cam kết thực sự phụng sự những người khác chỉ là tự hành hạ mình và sẽ như nấu cho mạnh thêm năm độc của chúng ta. Điều này rất quan trọng. Nếu bạn đi dọc dòng sông và thấy có người rớt xuống nếu bạn nhảy xuống cứu thì rất tốt. Nhưng nếu bạn không biết bơi thì vô ích. Từ quan điểm Phật giáo đại thừa, trừ phi bạn có cái hiểu tánh Không ở mức độ nào, còn không thì tất cả chỉ là những lời trống rỗng. Pháp chỉ là những câu chuyện đẹp đẽ nơi chúng ta cho rằng chúng ta đang trở nên tốt đẹp và giúp đỡ người khác nhưng thật ra chúng ta đang tốn thời gian để lo cho mình và những tưởng tượng của mình.
 
* Tantra
 
Trong con đường tantra có nhiều nhánh khác nhau. Nhưng cách thức tổng quát của thực hành là chúng ta cố gắng chuyển hóa năm độc thành năm trí huệ, đó là công việc then chốt. Và để đưa đến sự chuyển hóa này, chúng ta dùng sự đồng hóa với bổn tôn. Chúng ta dùng thần lực ban phước của bổn tôn, sự phong phú và phức tạp của thiền định với mọi hỗ trợ thẩm mỹ cho điều đó: thanka, âm nhạc, nhảy múa, y phục màu sắc và vân vân.
 
Bây giờ nếu chúng ta muốn chuyển hóa năm độc này, chúng ta phải có năm độc. Chắc hẳn chúng ta chấp nhận chúng ta đều có năm độc. Nhưng một số thời gian chúng ta không biết chúng ta có chúng. Thế nên chúng khó được chuyển hóa. Thậm chí trong con đường tantra, dù một số thực hành qua quán tưởng và dùng sự phong phú của thực hành để được chú tâm, chúng bắt đầu giải thoát chúng ta ra khỏi những bận tâm tác hại thường có, chúng ta vẫn cần nhìn những sự vật như chúng là để chuyển hóa chúng thành cái gì khác. Bởi vì công việc là một quán tưởng trở lại.
 
Chẳng hạn trong Vidyadhara Guru Sadhana, terma của Nuden Dorje, đoạn cuối có một phần từ Leudunma, nói rằng: ‘Nhìn mọi sự vật mà con thấy, tốt hoặc xấu, sự thực hành là thấy chúng như sắc tướng của thân những guru, sắc tướng của thân Padmasambhava…’ Và chúng ta giữ điều đó. Nhưng rõ ràng điều này cũng là một con đường nỗ lực bởi vì chúng ta phải thấy khác với thói quen thường thấy.
 
Thế nên cái chúng ta có là dòng nghiệp của chúng ta. Trong tiếng Tây Tạng, nó được gọi là rang gyud. Rang nghĩa là chúng ta và Gyud nghĩa là một dòng suối, một dòng, cùng chữ này chúng ta dùng để chỉ tantra. Dòng của những tri giác bình thường này là cái cột buộc chúng ta vào thế giới. Trong thực hành tantra khi cái này đang biểu lộ chúng ta được giới thiệu một cách nhận diện khác về nó. Thế nên chính là nghiệp hay quá khứ của chúng ta đem đến những nghĩa cho chúng ta và chúng ta chuyển hóa những nghĩa ấy vào mạn đà la lúc khoảnh khắc chúng sanh khởi. Và rồi cái gì cưỡng chống lại sự chuyển hóa chúng ta đang làm, chúng ta hiểu đó là một ma quỷ. Và đây là lý do tại sao trong Phật giáo Tây Tạng có nhiều quỷ ma.
 
Một số các bạn đã có một nhập thất Vajrakila và Vajrakila rất quan tâm đến việc đặt móng vào trong. Bất cứ chỗ nào có một quỷ ma hay một kila đi vào đó và tan biến. Tôi không biết ở châu Âu có như vậy không, nhưng ở Canada, ngày trước khi người ta đốn rừng họ để những thân cây trong sông. Và có những người đứng trên những thân cây ấy với một cây gậy đẩy và xoay những khúc cây cho nó chảy theo sông. Điều này chủ yếu là chức năng của Vajrakila bởi vì khi chúng ta trở thành Vajrakila chúng ta giữ cho dòng sông tự do, chúng ta giữ dòng của đời sống trôi chảy. Đây là sự thực hành của tantra. Mọi sự giữ sự biểu lộ trong hình thức nhẹ nhàng, tự do, và chỗ nào có những khúc cây dồn lại, nơi nào dòng sông của kinh nghiệm bị nghẻn và chúng ta bắt đầu xây dựng cái gì đó, hãy cho nó một đụng chạm mạnh và nó lại tiếp tục di chuyển. Và trong Vidyadhara Guru Sadhana có nhiều lúc bạn có loại việc tương tự khi chúng ta dùng những loại định vị, đe dọa, cầu khẩn, hối lộ khác nhau để những quỷ ma của chúng ta tiếp tục đi.
 
* Dzogchen
 
Thế nên chúng ta có thể thấy rằng suốt những cấp độ tiểu thừa, đại thừa và tantra, mối quan tâm then chốt là chuyển động mạnh mẽ và những kẻ thù then chốt là những điểm ứ đọng chung quanh chúng những cảm thức về tự ngã được xây dựng và thế giới được kiến trúc.
 
Bây giờ sự thực hành dzogchen thì có khác. Dù nó thường được đan với ba cái ấy, vị trí đặc biệt của nó thì khác. Bởi vì nó bắt đầu với cái thấy này, như chúng ta đã mô tả trong đoạn kệ thứ nhất, rằng từ ban sơ mọi sự đã hoàn hảo, toàn thiện. Đây là nghĩa của tên cặp đôi kỳ diệu (Samantabhadra, Samantabhadri), ‘Luôn luôn tốt’. Và bởi vì nó luôn luôn tốt nên nó không bao giờ xấu. Rất đơn giản. Thế nên nếu bạn nghĩ nó xấu đó là vì bạn không chứng ngộ rằng nó luôn luôn tốt và khi bạn nhận biết rằng nó luôn luôn tốt thì nó dừng dứt mọi cái xấu. Bằng chứng của giác ngộ trong con đường này là bạn đạt đến việc có một thời gian thực sự tốt. Điều đó rất quan trọng bởi vì ở tâm của thực hành dzogchen là ý niệm rằng không cần làm bất kỳ cố gắng nào bởi vì những sự vật đã vốn hoàn thiện.
 
Khuynh hướng thói quen của chúng ta là tưởng tượng rằng bổn phận của chúng ta là cải thiện những sự vật, cải thiện chính chúng ta, cải thiện thế giới và khi chúng ta nhìn trong những hệ thống khác này, tiểu thừa, đại thừa và tantra, vẫn có khuynh hướng nếu bạn không làm điều gì thì không có sự tiến bộ. Nhưng dzogchen bắt đầu với nhận định rằng từ sơ thủy mọi sự đã toàn thiện nên không có gì để cải thiện. Nếu bạn đi vào trong bất kỳ nghệ thuật sáng tạo nào, tôi nghĩ bạn sẽ thấy rằng khi bạn vẽ hay viết hay làm một cái bình, bạn muốn cải thiện nó. Chúng ta cần tin liên hệ trực giác của chúng ta, cho đến khi thấy tốt và dừng lại. Dzogchen thì giống như sự khai triển một tương quan trực giác thẩm mỹ với thế giới. Và ở đây thế giới bao gồm chúng ta, trong đó chúng ta cố gắng là sự thư giãn của chúng ta, để cho mọi sự tự do. Nhưng dĩ nhiên chúng ta không cần để cho những sự vật tự do bởi vì những sự vật vốn đã tự do, chỉ vì chúng ta tưởng tượng chúng không tự do mà thôi. Học bỏ đi nỗ lực không cần thiết là khó khăn bởi vì cá tính của chúng ta đã đặt căn bản trên hoạt động, làm việc.
 
Giải pháp then chốt là làm thế nào chúng ta có thể đi vào kinh nghiệm trực tiếp về dòng chảy này của thực tại trong đó không có gì để làm. Và không chỉ vào đó mà còn với xác tín rằng bởi giữ gìn sự thư giãn, buông xả mà chúng ta sẽ tăng trưởng tương quan đạo đức của chúng ta với thế giới và sự biểu lộ của chúng ta sẽ tốt đẹp mà không phải cố gắng để tốt đẹp. Đó là một phẩm tính vô tận của toàn thiện giản dị và có lẽ nó sẽ đòi hỏi chúng ta một số thời gian để biết hương vị của nó.
 
Nhưng tôi đề nghị nghỉ ngơi một lúc và lấy một ít không khí tươi tắn và có thể đặt mình vào trạng thái ấy nếu bạn chỉ đi dạo ngoài trời với cảm giác nhẹ nhàng: “Cái gì có nghĩa là tôi?” Nó không phải là một câu hỏi vòng đi vòng lại mà chỉ từ bên trong phát ra ngoài. “Cái gì được cảm nhận giống như tôi? Cái gì là cái tôi này của tôi?”

Trích: “Ngay Tại Đây”
Một Bản Văn Kho Tàng Đại Toàn Thiện của Nuden Dorje có tiêu đề TẤM GƯƠNG CỦA NGHĨA HIỂN NHIÊN
Với bình giảng bởi James Low
NXB. Thiện Tri Thức, Tháng 8/2019
Ảnh: nguồn internet

Chia sẻ là yêu thương! - Sharing is caring!

Leave a Reply