Những Điều Nên Làm Trong Lúc Lắng Nghe Giáo Pháp

Patrul Rinpoche
 
1. Bốn Ẩn Dụ
 
Trong Kinh Hoa Nghiêm có nói:
 
Thiện nam tử,
Ông nên nghĩ bản thân ông như người bị bệnh,
Giáo Pháp là phương thuốc,
Vị Thầy tâm linh là một thầy thuốc khéo léo,
Và thực hành tinh tấn là cách thức để hồi phục.
 
Chúng ta bị bệnh tật. Từ vô thủy, trong biển khổ vô biên là vòng sinh tử luân hồi này, chúng ta đã bị hành hạ bởi bệnh tật do ba độc gây ra và hậu quả chính là ba loại đau khổ.
Khi người ta bị bệnh nặng, họ đi tham vấn một bác sĩ giỏi. Họ nghe theo lời khuyên của bác sĩ, dùng bất kỳ loại thuốc nào mà ông ta cho, và làm tất cả những điều có thể làm để vượt qua bệnh tật và trở nên khỏe mạnh. Tương tự, bạn nên tự mình điều trị những bệnh tật của nghiệp, điều trị những cảm xúc tiêu cực và chữa lành đau khổ bằng cách tuân theo hướng dẫn của vị bác sĩ đầy kinh nghiệm, là vị Thầy tâm linh chân chính, và bằng cách sử dụng thần dược của Giáo Pháp. Việc theo chân một vị Thầy mà không làm theo những điều Ngài hướng dẫn thì cũng giống như không vâng lời bác sĩ, điều đó làm cho ông không có cơ hội để chữa lành bệnh cho bạn. Không uống thuốc của Giáo Pháp – có nghĩa là không áp dụng Giáo Pháp vào thực hành – thì cũng giống như có vô số thuốc men và những toa thuốc bên giường mà không bao giờ bạn chạm tới chúng.

Ngày nay, người ta nói với đầy vẻ lạc quan: “Lạt Ma, xin nhớ tưởng đến con với lòng bi mẫn!” Khi nghĩ rằng cho dù có làm nhiều điều khủng khiếp, họ sẽ không bao giờ phải chịu hậu quả. Họ ước đoán rằng vị Thầy, với lòng bi mẫn, sẽ tung họ lên cõi Trời như thể Ngài đang ném một viên sỏi. Nhưng khi ta nói rằng vị Thầy đang gia hộ chúng ta với lòng bi mẫn thì điều này thực sự muốn nói tới việc Ngài đã tràn đầy lòng từ ái khi chấp nhận chúng ta làm đệ tử của Ngài, và Ngài ban cho chúng ta những giáo huấn sâu xa, khai thị cho chúng ta điều gì cần làm và điều gì nên tránh và chỉ dẫn cho chúng ta con đường giải thoát đã được Đấng Chiến Thắng giảng dạy. Có lòng bi mẫn nào to lớn hơn thế không? Điều này tùy thuộc vào việc chúng ta có tận dụng được lòng bi mẫn này và thực tâm theo đuổi con đường giải thoát hay không.
Giờ đây là lúc chúng ta được sinh ra làm người, có tự do và được phú bẩm cho nhiều điều kiện thuận lợi, giờ đây là lúc chúng ta biết điều gì nên làm và điều gì không nên làm. Quyết định của chúng ta vào lúc này khi ta có tự do để chọn lựa, đánh dấu bước ngoặt định đoạt số phận của chúng ta sẽ tốt hơn hoặc xấu hơn mãi về sau này. Điều tối quan trọng là chúng ta hãy chọn lựa một lần cho xong giữa sinh tử và Niết bàn, và hãy đưa những giáo huấn của vị Thầy của chúng ta vào thực hành.
 
Những người hướng dẫn các buổi lễ trong làng sẽ làm cho bạn tin rằng ngay trên tử sàng, bạn vẫn còn có thể đi lên (cõi cao) hay đi xuống (cõi thấp), như thể bạn đang điều khiển một con ngựa bằng dây cương. Nhưng vào lúc đó, trừ phi bạn đã thuần thục trên con đường tu, trận gió nghiệp dữ dội của những hành vi trong quá khứ của bạn sẽ săn đuổi bạn, trong khi ở phía trước, một bóng tối dày đặc khủng khiếp đổ xô tới vào lúc bạn hoàn toàn bất lực, bị lôi tuột xuống một con đường dài đầy hiểm nguy của trạng thái trung ấm. Vô số những thuộc hạ của Thần Chết sẽ đuổi bắt bạn với những tiếng kêu thét: “Giết! Giết! Đánh! Đánh!” Làm thế nào vào một khoảnh khắc như thế – khi không có nơi nào để chạy tới và không có chỗ để ẩn náu, không nơi nương tựa và không chút hy vọng, khi bạn tuyệt vọng và không biết phải làm gì – làm thế nào vào một thời điểm quyết định như thế mà bạn có thể làm chủ được việc mình đi lên (cõi cao) hay đi xuống (cõi thấp)? Như Đấng Vĩ đại xứ Oddiyana có nói:
 
Đợi tới lúc được nhận lễ tịnh nghiệp trên một tấm bảng có ghi tên con thì đã quá muộn! Khi tâm thức của con đã hoàn toàn lang thang trong trạng thái trung gian như một con chó mê muội, và con sẽ thấy được rằng ngay cả việc chỉ nghĩ tưởng về những cảnh giới cao hơn cũng thật vô cùng khó khăn.
Thật ra thì bước ngoặt quyết định, là thời điểm duy nhất mà bạn thật sự có thể hướng dẫn mình đi lên hay đi xuống như thể điều khiển một con ngựa bằng dây cương, là ngay lúc này đây, trong khi bạn đang còn sống.
 
Là một con người, những thiện hạnh của bạn còn mạnh mẽ hơn các hành vi tích cực của các loài chúng sinh khác. Mặt khác, điều này cho bạn một cơ hội, vào lúc này và ngay tại đây, trong chính đời này, để bạn có thể dứt bỏ sinh tử luân hồi một lần và mãi mãi. Nhưng (cũng tương tự như thế), những ác hạnh của bạn cũng mạnh mẽ hơn, do đó bạn cũng hoàn toàn có thể tin chắc rằng mình sẽ không bao giờ thoát khỏi vực sâu của những cõi thấp. Vì thế, giờ đây là lúc bạn đã gặp được một vị Thầy, một vị bác sĩ khéo léo, và Giáo Pháp là thần dược chiến thắng cái chết. Đây là lúc để áp dụng bốn pháp ẩn dụ, đưa giáo lý bạn đã được nghe vào thực hành, và du hành trên con đường dẫn tới giải thoát.
Quyển “Kho Tàng Của Những Phẩm Tính Quý Báu” mô tả bốn ý niệm sai lạc cần phải tránh, chúng là sự đối nghịch của bốn ẩn dụ mà chúng ta đã đề cập tới ở trên.
 
Người miệng lưỡi nông cạn, với bản tánh xấu ác.
Tiếp cận với vị Thầy như thể Ngài là một con hươu xạ.
Tinh chiết xạ hương, Giáo Pháp viên mãn,
Tràn đầy khoái lạc, họ phỉ báng giới nguyện.
 
Những người như thế coi vị Thầy tâm linh của họ như một con hươu xạ, Giáo Pháp như xạ hương, bản thân họ là người đi săn, và công phu hành trì miên mật là cách thức để giết một con hươu với một mũi tên hay một cái bẫy. Họ không thực hành giáo pháp mà họ đã thọ nhận và hoàn toàn không tỏ lòng biết ơn vị Thầy. Họ sử dụng Giáo Pháp để tích lũy các ác hạnh, và điều này sẽ như một cối đá kéo lôi họ đọa xuống những cõi thấp.
 
2. Sáu Toàn Thiện Phi Thường (Sáu Ba La Mật)
 
Trong Liễu Nghĩa Giáo Huấn Chân Pháp Mật Điển có nói:
 
Hãy cúng dường phẩm vật tối hảo chẳng hạn như hoa thơm và các tấm đệm,
Hãy thứ tự và tự kiểm soát cách hành xử của bạn,
Chớ làm tổn thương bất kỳ chúng sinh nào,
Hãy chân thành tin tưởng vị Thầy của bạn,
Hãy lắng nghe các giáo huấn của Ngài mà không xao lãng
Và hãy hỏi Ngài để xua tan những hoài nghi của bạn;
Đây là sáu toàn thiện phi thường của một người lắng nghe Giáo Pháp.
 
Một người đang nghe giáo lý nên thực hành sáu toàn thiện phi thường như sau:
 
Hãy chuẩn bị tòa ngồi cho vị Thầy, sắp xếp các tấm đệm lên đó, dâng cúng một mạn đà la, hoa, và các món cúng dường khác. Đây chính là thực hành bố thí.
Hãy quét dọn sạch sẽ nơi chốn hay căn phòng sau khi đã cẩn thận rửa sạch bằng nước mát, và hãy tự chế mọi hành vi thiếu tôn kính. Đây chính là thực hành trì giới.
Tránh làm tổn hại chúng sinh, ngay cả những côn trùng nhỏ bé nhất, và hãy chịu đựng sự nóng, lạnh và mọi gian khó khác. Đây chính là thực hành nhẫn nhục.
Gạt sang một bên bất kỳ quan niệm sai lạc nào liên quan tới vị Thầy và giáo lý, hãy hoan hỷ lắng nghe với niềm tin chân thật. Đây chính là thực hành tinh tấn.
Hãy lắng nghe những giáo huấn của Đạo Sư một cách chú tâm không xao lãng. Đây chính là thực hành thiền định.
Và hãy đặt những câu hỏi để xua tan bất kỳ do dự và hay mối nghi hoặc nào. Đây chính là thực hành trí tuệ.
 
3. Những Cách Thức Khác Của Hành Vi
 
Nên tránh tất cả những cách hành xử thiếu tôn kính, Luật tạng (Vinaya) nói:
 
Chớ dạy cho những người thiếu tôn kính,
Những người không bệnh mà trùm khăn đội đầu,
Những người mang gậy gộc, vũ khí và che dù,
Hay những người quấn khăn trên đầu.
Và Truyện Tiền Thân Đức Phật (Jataka) có nói:
Hãy chọn chỗ ngồi thấp nhất
Hãy vun bồi giới luật trang nghiêm hoàn hảo.
Với đôi mắt tràn đầy hoan hỷ,
Hãy uống từng lời như uống chất cam lồ,
Và hãy hoàn toàn chú tâm.
Đó là cách lắng nghe Giáo lý.


Trích: Lời Vàng Của Thầy Tôi
Patrul Rinpoche
Bản dịch Anh ngữ Nhóm Dịch Thuật Padmakara
Bản dịch Việt ngữ Nhóm Longchenpa
Nhà xuất bản Tôn Giáo
Ảnh: internet

Chia sẻ là yêu thương! - Sharing is caring!

Leave a Reply