Sư Diện Không Hành Phật Mẫu: Lion-Faced Ḍākinī

Tên Việt: Sư Diện Không Hành Phật Mẫu
Tên Phạn: Siṃhamukhā
Tên Tạng: སེང་གེ་གདོང་མ་ Senge Dongma
Tên Anh: Lion-Faced Ḍākinī

Người Họa Sĩ Vẽ: Jim Yeh

Sư Diện Không Hành Phật Mẫu (Tên Phạn: Siṃhamukhā, Tên Tạng: Senge Dongma, Tên Anh:  Lion-Faced Ḍākinī) gợi chút cảm hứng. Sư Diện Phật Mẫu là một Ḍākinī hình tướng phẫn nộ, chuyên tiêu trừ các chướng ngại thuộc ma thuật đen.

Là một vị Hộ Pháp nữ tính thuộc Phẫn Nộ Tôn có đủ sức Đại Uy Thần, hay bảo vệ Giáo Lý của Đức Phật Đà, chặn đứng tất cả Tà Ma, đối trị Tà Thuật, trừ khử chướng ngại. Ngài hóa hiện khuôn mặt sư tử cái để trấn áp những vị Trời, Quỷ mà những phương tiện khác khó chế phục được, và hiển hiện tướng hung bạo phẫn nộ để điều phục bốn Ma.

Hình tượng của Sư Diện Không Hành Mẫu là thân người màu xanh lam (hoặc màu hồng đỏ), đầu sư tử trắng, có ba con mắt lớn với con ngươi tròn trịa, nhìn giận dữ, há miệng nhe nanh cuốn lưỡi, hai tai rũ xuống bên dưới, tóc màu xanh dựng đứng, đội mão năm đầu lâu. Thân trên lõa lồ, hai vú căng phồng lên, mặc quần da cọp, cổ đeo 50 cái đầu người còn tươi, dùng vật trang sức bằng xương đề làm chuỗi Anh Lạc, tay trái cầm cái chén đầu người bên trong chứa đầy máu thịt uế ác, để ngang ngực; vai trái nghiêng giữ cây gậy Tam Xoa Chương Ca có ba cái đầu lâu. Tay phải giơ cao cầm con dao hình mặt trăng, mười ngón tay bén nhọn như móng vuốt cọp, thân thể hiện bày tư thế đứng múa, đứng ở trên Liên Hoa Nhật Luân (vành mặt trời trong hoa sen), chân phải giơ lên co gập lại, chân trái duỗi đứng dẫm đạp trên thân người nam nằm ngửa, sau lưng hiện ánh sáng rực lửa của Bát Nhã.

Câu chuyện về Sư Diện Phật Mẫu như sau:

“Vào thời của Đức Phật Vô Lượng Thọ, cách Đức Phật Bổn Sư nhiều kiếp về trước, có một quỷ vương tên là Garab Wangchuk và vị quỷ vương này có người con gái đầu sư tử tên là Tramen Sengdongma. Do ưa thích tàn sát và nhiễu hại những người tu hành, nữ quỷ này đã làm cho thế giới trở nên tràn đầy những thế lực ma quỷ và khiến cho giáo lý của Đức Phật Vô Lượng Thọ bị suy yếu. Lúc bấy giờ, trí tuệ của chư Phật hóa hiện thành một vị Ḍākinī Đầu Sư Tử [Sư Diện Phật Mẫu], được chư Phật phú chúc oai đức và lòng từ bi để hóa độ vị nữ quỷ. Khi vị Dakini nhập vào tam muội, Ngài lưu xuất vô số hóa hiện và hàng phục tất cả quỷ ma. Nữ quỷ chịu khuất phục trước oai đức to lớn của Sư Diện Phật Mẫu.

Đến thời đại của Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni, Đại Thế Chí Bồ Tát đã thỉnh cầu Đức Thế Tôn chỉ dạy phương tiện tiêu trừ bóng đêm vô minh. Đức Thế Tôn nhập vào Phục Ma Tam Muội và chỉ dạy trọn vẹn giáo lý về Sư Diện Phật Mẫu. Sau đó, Đại Thế Chí Bồ Tát đã niêm phong kho tàng này lại. Khoảng 750 năm sau khi Đức Thế Tôn nhập niết bàn, quanh vùng Bồ Đề Đạo Tràng, xuất hiện vị Vua tên là Suraya Singha. Vua đã thỉnh mời 500 vị Học giả gồm những bậc tu hành và giảng dạy Phật Pháp, dâng lên những phẩm vật cúng dường trọng hậu. Lúc bấy giờ, thế lực của các giáo phái bên ngoài tăng trưởng, họ tàn phá thánh tích và trường Phật học nên Vua đã sắp xếp một cuộc tranh biện giữa Phật Giáo và các trường phái bên ngoài. Vua Suraya Singha cùng các Học giả đã chí tâm khẩn cầu đến Đạo sư Liên Hoa Sanh và Đạo sư Liên Hoa Sanh đã xuất hiện, đánh bại các trường phái khác bằng oai đức trí tuệ của mình. Sau cùng, các trường phái bên ngoài đã quyết định sử dụng tà thuật. Lúc này, Đạo sư Liên Hoa Sanh khai mở kho tàng giáo lý mà Đại Thế Chí Bồ Tát đã niêm phong và đẩy lùi mọi chướng ngại. Khi đến Tây Tạng, Đạo sư Liên Hoa Sanh đã đem giáo lý này truyền lại cho các đại đệ tử, trong đó công chúa Yeshe Tsogyal, người đã viết lại và niêm phong các giáo lý cho lợi ích của hữu tình trong tương lai.”

Trong một bài viết về Sư Diện Phật Mẫu có đoạn : “Cấu uế thu hút Ma chướng và Thù địch giống như nam châm hút các mảnh sắt vụn. Khi bạn tiêu trừ những tiêu cực từ các thứ độc trong chính mình (tham, sân, si, mạn, đố) thì chẳng còn gì thu hút ma quỷ nữa.” Trong tác phẩm Niệm Phật Thập Yếu của Cố HT. Thiền Tâm cũng có nói : “Hành giả không hiểu giáo lý, chẳng khéo trị tâm, để Nội ma phát khởi khiến chiêu cảm Ngoại ma đến phá hoại.” Do ngày nay, có nhiều sự lầm tưởng về giáo lý Sư Diện Phật Mẫu, cho rằng chỉ cần nương tựa Ngài là mọi cái chướng tiêu trừ hết hay khủng khiếp hơn là trừ ma diệt yêu các thể loại nên mục đích bài viết này cũng chỉ để làm rõ điểm mấu chốt : “Nội bất chính, ngoại tắc loạn” của giáo lý Phật Đà. Mình không hi vọng thay đổi cái gì đó mà chỉ muốn làm rõ quan điểm thực sự của Phật Giáo là không có mê tín mà hoàn toàn chánh tín, ok?

Nguồn:  Kinh Mật Giáo Orgyen’s Blog.

Tranh Vẽ Thangka Sư Diện Không Hành Phật Mẫu với Kim Cương Du Già Thánh Nữ (Vajrayoginī) ở trên giữa và hai vị Đức Pháp Vương Karmapa hai bên trên tại Lumbini Buddhist Art Gallery ở Berkeley, Miền Bắc tiểu bang California.
Tranh Vẽ Thangka Sư Diện Không Hành Phật Mẫu tại Lumbini Buddhist Art Gallery ở Berkeley, Miền Bắc tiểu bang California.

  • ཀརྨ་རྡོ་རྗེ། Karma Dorje biên soạn trang này 11/8/2016 để bổ sung thêm cũng như khích lệ và ủng hộ mọi người, nếu có điều gì sơ sót xin quí vị hoan hỷ.

Chia sẻ là yêu thương! - Sharing is caring!

Leave a Reply